• Home »
  • KT - XH »
  • Đống Đa : 6 Người ngộ độc bị co giật, nhập viện khẩn cấp vì ăn bánh mì kẹp thịt

Đống Đa : 6 Người ngộ độc bị co giật, nhập viện khẩn cấp vì ăn bánh mì kẹp thịt


 

     6 nhân viên văn phòng nhập viện trong tình trạng sốt, buồn nôn và bụng đau quặn thắt. Trước đó, tất cả cùng ăn trưa một món: Bánh mì Sài Gòn kẹp thịt.

      Xem thêm : Thực phẩm ơi, nỗi đau giờ biết kêu ai

     Ngày 9/5, Báo Gia đình & Xã hội nhận được thông tin phản ánh từ người dân cho biết 6 nhân viên văn phòng phải nhập viện khẩn cấp nghi do ngộ độc thực phẩm.

     Theo tìm hiểu của PV, họ là nhân viên của Phòng Bảo hiểm Mỹ Đình (trụ sở tại 195 Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội), nhập viện từ ngày 6/5. Hiện, 4 người vẫn đang phải điều trị tại Bệnh viện An Việt, tất cả đều trong tình trạng mệt mỏi và chưa thể ăn uống bình thường, 2 người khác đã xuất viện trước đó (do ăn ít hơn nên mức độ ngộ độc nhẹ hơn, nhưng cũng chưa hoàn toàn khỏe lại.




Ngo_doc_banh_my_kep_thit_dong_da
4 bệnh nhân bị ngộ độc đang điều trị tại Bệnh viện An Việt. Ảnh: Ngọc Thi

     Các bệnh nhân này cho biết, trưa và chiều 5/5, họ cùng ăn một loại bánh mì được mua tại một cửa hàng. Ngoài ra, họ không ai ăn thêm gì trong ngày làm việc hôm đó.

     Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, anh Mầu Hoàng Anh – 1 trong 4 bệnh nhân bị ngộ độc đang nằm tại bệnh viện nhớ lại: “Hôm đấy, cậu Quân ở phòng chúng tôi đi mua bánh mì tại cửa hàng đối diện (278 Khâm Thiên) cho mọi người ăn trưa. Tất cả đều là bánh mì kẹp thịt, bên trong có thịt, sốt, dưa chuột, rau…

     Ngày 6/5, họ đều phải nhập viện trong tình trạng: Bụng đau quặn thắt, buồn nôn, tiêu chảy, thậm chí có người còn bị co giật và mất ý thức. Trong 6 người, có một đôi vợ chồng là anh Mầu Hoàng Anh và chị Trần Thị Hòa.

Ngo_doc_banh_my_kep_thit_dong_da 01

Bệnh nhân Trần Thị Hòa, Nguyễn Thị Định vẫn trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu. Ảnh: Nông Thuyết

     Mặc dù có những biểu hiện khác thường từ nửa đêm nhưng sáng hôm sau anh Mầu vẫn đi làm, còn vợ phải nhập viện lúc 10h sáng. Nhưng hai người vẫn chưa có nghi ngờ gì về bánh mì đã ăn ngày hôm trước. Anh Mầu cho biết: “Mọi người ăn trước, còn tôi đến tầm 3 giờ chiều mới ăn. Đến khoảng 3 giờ sáng 6/5, tự dưng tôi thấy đau bụng, thấy sốt nhẹ nhưng nghĩ rằng chỉ nhẹ bình thường. Buổi sáng, tôi vẫn đi làm nhưng tình trạng nặng hơn – cảm giác không thể trụ thêm nữa thì mới gọi điện hỏi những người khác (đã nghỉ làm) thì mới biết họ đều đã phải nhập viện, lúc này mới nghi ngờ về bánh mì”.

     Trong số 6 người nhập viện, chị Trần Thị Anh Minh là người bị ngộ độc nặng nhất. Chị nhớ lại: “Hôm đó chúng tôi lười ra ngoài nên mua bánh mỳ về phòng ăn tạm. Tối về tôi nấu miến với giò để ăn tối. Tôi khẳng định thực phẩm nhà không có vấn đề gì vì trước đó cả nhà vẫn ăn. Đến 3h đêm tôi thấy đau bụng nhưng nó không giống như những lần rối loạn tiêu hóa trước. Bụng tức khó chịu và cơ thể mệt mỏi một cách rất lạ”.




Ngo_doc_banh_my_kep_thit_dong_da 02

Bệnh nhân Trần Thị Anh Minh – người bị ngộ độc nặng nhất. Ảnh: Ngọc Thi

     Chị kể, dù mệt nhưng sáng sớm vẫn cố gắng đưa con đi học. Tuy nhiên, do mệt quá chị không đi làm mà về nhà nằm nghỉ. Đến trưa chị thấy không ổn nên gọi người nhà đưa mình vào bệnh viện cấp cứu.

     Đánh giá về tình hình sức khỏe 6 bệnh nhân nhập viện, bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc bệnh viện An Việt cho biết:

     “Tất cả bệnh nhân đến đây cấp cứu đều trong tình trạng ngộ độc rất nặng, triệu chứng đi ngoài rất nhiều, ruột co bóp nặng. Cũng may là họ đến cấp cứu kịp thời nếu không có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tim mạch. Trong tất cả các bệnh nhân, có chị Trần Thị Anh Minh, nhập viện trong tình trạng mất ý thức, ngất xỉu, cơ thể mất nước và nhiễm độc rất mạnh. Sau 3 tiếng cấp cứu thì bệnh nhân mới khôi phục ý thức”.

 Ngo_doc_banh_my_kep_thit_dong_da 03

     Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân Trần Thị Anh Minh. Ảnh: Nông Thuyết

     Bà An cho biết thêm, đến ngày thứ ba mới cho bệnh nhân thử nghiệm ăn cháo, trước đó họ chỉ uống nước và không thể ăn gì.

     Theo chỉ dẫn của các bệnh nhân bị ngộ độc, chúng tôi tìm đến cửa hàng bánh mì mà họ đã mua về ăn. Ban đầu, chủ cửa hàng khẳng định từ trước đến nay chưa từng có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. Tuy nhiên, khi PV đề cập vụ việc có 6 khách hàng ăn bánh mì tại đây, đã bị ngộ độc và hiện đang phải điều trị trong bệnh viện thì người này mới thừa nhận là có thông tin đó.

     Đồng thời, chủ cửa hàng phủ nhận: “Họ cứ ăn linh tinh rồi đổ tội tại bánh mì. Tất cả các sản phẩm của chúng tôi đều có nguồn gốc rõ ràng. Trước giờ mọi người vẫn ăn có sao đâu…”.

     Qua tìm hiểu của PV, được biết, cửa hàng này đã kinh doanh 10 năm. Trước đây, họ bán ở trên phố Đê La Thành và mới chuyển về Khâm Thiên được 3 năm, chủ cửa hàng là người gốc Sài Gòn.

     Trước đó, khi nhận được điện thoại của chị Minh (bệnh nhân ngộ độc) phản ánh thì chủ cửa hàng có cử nhân viên đến thăm. “Ban đầu, họ còn nhẹ nhàng hỏi thăm nhưng về sau khi chúng tôi đề nghị xem xét lại quy trình thì họ lại có thái độ không hợp tác và “chối bay chối biến” – anh Mầu Hoàng Anh cho hay.

Nông Thuyết – Ngọc Thi/Báo Gia đình & Xã hội




Xem thêm  :

+  Nhân viên mặc bikini, cửa hàng Trần Anh đường láng bị phạt 40 triệu vụ

+  Kiểm tra toàn bộ cửa hàng Trần Anh vì phương thức bán hàng gây sốc với người mẫu mặc bikini

Hà nội : Bắt trước Trần Anh, Quán lẩu cũng cho nhân viên mặc bikini giáo dục giới tính

Thực phẩm ơi, nỗi đau giờ biết kêu ai

Related Post

Phản hồi